Blog
Chạy bộ có gây viêm khớp không?
Viêm khớp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh đau đớn, khó chịu. Đối với nhiều người ưa thích vận động và thể thao, họ cứ nghĩ rèn luyện sẽ nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó, họ lại luôn lăn tăn về vấn đề liệu việc tập luyện nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe hệ xương khớp hay không. Đặc biệt là hoạt động chạy bộ, vì nó có cường độ nhanh, mạnh và tác động trực tiếp đến khớp. Vậy hãy cùng Orihiro giải đáp thắc mắc trong bài viết dưới đây.
Viêm khớp là gì?
Tiến sĩ y khoa và phẫu thuật chỉnh hình tại trường Y Harvard – Jeffrey Katz cho biết: Viêm khớp là loại viêm phổ biến nhất, thuộc nhóm bệnh mãn tính và tiến triển. Đặc trưng của bệnh là lớp sụn bao phủ, bảo vệ đầu xương bị bào mòn dần dần, dẫn đến các lực thường được sụn hấp thụ sẽ chuyển đến xương, nơi có các sợi thần kinh nhạy cảm với cơn đau. Sự phá vỡ lớp sụn cũng dẫn đến đau, sưng, viêm và hạn chế vận động.
viêm khớp
Bệnh viêm khớp
Bệnh thường xảy ra ở đầu gối, cột sống thắt lưng dưới. Tình trạng bệnh lý này trở nên phổ biến hơn theo tuổi tác, bên cạnh đó cũng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ như tiền sử gia đình, chấn thương trước đó và cân nặng quá mức.
Viêm khớp có khỏi được không?
Vì thuộc nhóm bệnh mãn tính nên việc chữa khỏi rất gian nan và gần như không có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Ngay cả khi sử dụng thuốc cũng chỉ giúp làm giảm viêm, giảm đau. Các loại thuốc chống viêm non-steroid như Ibuprofen, Naproxen, Meloxicam, Celecoxib… cũng chỉ làm dịu cơn viêm đau tạm thời. Tác dụng nhanh hơn thuốc uống là thuốc tiêm, nhưng thuốc tiêm cũng chỉ giúp giảm đau trong thời gian ngắn và không chữa khỏi bệnh.
Vận động để kiểm soát viêm khớp
Theo Tiến sĩ Katz cho biết: “Tập thể dục không thể giúp thay thế lớp sụn bị phá hủy hay làm chậm quá trình thoái hóa tự nhiên. Nhưng vận động có vai trò hỗ trợ, củng cố xương và các cơ xung quanh để bảo vệ khớp, tránh quá tải lực dồn ép lên tổ chức sụn khớp”. Một nghiên cứu tìm cho thấy trong số những người bị viêm đầu gối nhẹ và có nguy cơ nặng hơn, họ đi bộ trung bình gần 7000 bước mỗi ngày thì không bị mất thêm sụn trong hai năm. Như vậy, bị viêm khớp nên thường xuyên vận động hoặc tập thể dục để giảm bớt tình trạng bệnh.
Chạy bộ có bị viêm khớp không?
Ngược lại với trường hợp trên, vận động giúp kiểm soát vấn đề đau xương khớp, nhưng nhiều người thắc mắc họ có thói quen chạy bộ trong thời gian dài thì có ảnh hưởng đến hệ xương khớp hay không? Nếu bạn liên tưởng giống như chiếc lốp xe bị mòn sau khi chạy trên đường đã quá lâu, thì việc chạy bộ trên những cung đường gồ ghề cũng có thể khiến khớp bị bào mòn. Tuy nhiên, Orihiro đã nêu thông tin ở phần 1, viêm xương khớp sẽ liên quan đến tuổi tác và quá trình thoái hóa, tức là hệ khớp bị già đi, không hề liên quan đến việc chạy bộ. Có khả năng những người chạy bộ ngẫu nhiên sẽ bị bệnh, nhưng nguyên nhân chắc chắn còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như cường độ tập, tình trạng xương khớp trước đó.
chạy bộ
Chạy bộ có gây viêm khớp không?
Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc chạy bộ không gây viêm khớp hoặc bất kỳ bệnh khớp nào khác. Một nghiên cứu được công bố năm 2017 cho thấy: những người chạy bộ kiểu rèn luyện sức khỏe có tỷ lệ mắc bệnh xương khớp gối, cột sống thắt lưng thấp hơn (3,5%) so với vận động viên thi đấu (13,3%) và những người không chạy bộ (10,2%). Một phân tích năm 2022 gồm 24 nghiên cứu, không tìm thấy bằng chứng nào về tác hại đáng kể đối với lớp sụn khớp trên ảnh chụp X quang ngay sau khi chạy bộ. Đây chỉ là một vài nghiên cứu y học được công bố về vấn đề này. Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy rằng chạy bộ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp, thậm chí còn có tác dụng bảo vệ.
Lời khuyên về việc vận động để hỗ trợ viêm khớp
Nếu tình trạng bệnh của bạn nghiêm trọng và gặp khó khăn trong vận động thì cần phải tham khảo chương trình tập luyện riêng có sự giám sát của bác sĩ vật lý trị liệu. Điều này là cần thiết, vì chuyên gia mới có thể nhận định được các vấn đề và những điểm hạn chế của bệnh nhân. Nếu tập bừa bãi thì cơn đau khớp có thể trở nên tồi tệ hơn. Bác sĩ sẽ thiết kế một chương trình tập luyện cho từng cá nhân và dạy họ cách thực hiện bài tập một cách chính xác, an toàn. Đặc biệt bác sĩ sẽ bên cạnh bệnh nhân, cùng họ vượt qua nỗi sợ hoặc do dự khi cử động làm tăng cơn đau.
Trường hợp bệnh nhẹ và vừa, có thể áp dụng một chương trình tập thể dục tiêu chuẩn bao gồm: các bài aerobic nhẹ nhàng nhằm rèn luyện sức đề kháng, tăng sức mạnh các nhóm cơ hỗ trợ khớp như mông, đùi, cơ lưng dưới. Ngoài ra để cải thiện sức bền, tăng phạm vi chuyển động của khớp, có thể tập đi bộ nhanh, bơi lội, sử dụng tạ, đạp xe hoặc dùng máy móc hỗ trợ.